Việt Nam đang là một trong 5 Quốc gia có số lượng đơn xin visa theo diện đầu tư EB-5 nhiều nhất trên thế giới cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ. Bảng tin thị thực tháng 5/2018 (Visa Bulletin) cho biết: số lượng tăng nhanh khiến thời gian cấp visa cho các đương đơn Việt Nam bị lùi lại. Tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên thị trường EB-5. Do đó, nhà đầu tư Việt Nam nên có kế hoạch ngay từ bây giờ, trước khi bị xếp vào hàng chờ visa quá dài trong thời gian sắp tới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước duy nhất bị lùi lại trong việc cấp visa EB-5 do luợng đơn quá nhiều. Tháng 6/2017, cơ quan Thanh tra của USCIS từng gây ra cú “shock” cho ngành EB-5 khi dự đoán thời gian chờ đợi của các nhà đầu tư Trung Quốc để nhận được thẻ xanh là 10 năm hoặc lâu hơn thế. Và bây giờ, nhà đầu tư đến từ Việt Nam sẽ phải đối mặt tình trạng này. Tuy nhiên, diễn biến sẽ không tệ như những gì đang xảy ra tại Trung Quốc.
Sơ đồ sau đây sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc “lùi lại” trong tiến trình xử lý đơn xin cấp thị thực EB-5 (visa EB-5):

Khi nộp đơn I-526 vào Sở Di trú Mỹ (USCIS) và được ấn định ngày ưu tiên (Priority Date), đương đơn cùng người phụ thuộc sẽ chờ đợi cho đến khi đơn của mình được xét duyệt và chuyển qua giai đoạn Điều chỉnh tình trạng cư trú (đối với người đang cư trú tại Mỹ) hoặc Hợp thức lãnh sự (đối với người sống ngoài nước Mỹ) để nhận visa EB-5. Thời gian cho quá trình này phụ thuộc vào năng suất xử lý đơn của USCIS và chỉ tiêu visa EB-5 được cấp mỗi năm.
Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhu cầu xin visa EB-5 cao gấp ba đến bốn lần so với chỉ tiêu được cấp kể từ năm 2011. Điều này khiến thời gian trong tiến trình xử lý và phê duyệt đơn bị lùi lại và đương đơn được nhận visa lâu hơn so với bình thường. Hay nói cách khác, các đơn đang bị tồn đọng (backlog) và nằm trong tình trạng chờ giải quyết. Cụ thể hơn, nhà đầu tư hãy xem xét sự tính toán sau đây:
- Chỉ tiêu visa được cấp mỗi năm: 10.000 visa cho một nhà đầu tư cùng gia đình.
- Trên thực tế, số lượng đơn xin visa hàng năm đã vượt quá 10.000 đơn. Trong 7 năm qua, từ năm 2011-2017, có 203.400 đơn nộp lên USCIS (trung bình hàng năm có hơn 30.000 đơn).
Như vậy, số liệu tính tooán từ năm 2011-2017 cho thấy:
- Chỉ tiêu visa được cấp trong 7 năm: 70.000 visa
- Nhu cầu xin visa trong 7 năm: 203.400 visa
- Thời gian để tất cả 203.400 visa được cấp cho các nhà đầu tư: 20 năm.
Vì Chính phủ Mỹ chỉ cấp 70.000 visa (mỗi năm cấp 10.000 visa) trong 7 năm qua nên 133.400 visa còn lại phải xếp hàng chờ xử lý trong vòng 13 năm sau. Tuy nhiên, các đương đơn xin visa trong thời gian đó có thể rút đơn, bị từ chối, hay vì lý do nào đó mà đơn không được phê duyệt sẽ giúp rút ngắn phần nào thời gian chờ đợi. Vì vậy, thời gian chờ thực tế ước tính kéo dài khoảng 9 – 10 năm.
Cần lưu ý, cách tính thời gian chờ như trên chỉ mang tính tổng quát. Trên thực tế, hàng chờ visa trong bao lâu còn phụ thuộc vào hồ sơ của đương đơn đang nằm ở đâu, đương đơn là người nước nào và tình trạng xử lý của các đương đơn khác ra sao. Theo quy định, mỗi Quốc gia nhận được 7% trong tổng số lượng visa được cấp hàng năm cho toàn thế giới. Về mặt luật định, những nước đã nhận được 7% trong tổng số visa trong năm thì các đương đơn còn lại của nước đó phải xếp hàng chờ giải quyết trong những năm sau. Tuy nhiên, nếu phần còn lại của thế giới không “xài hết” chỉ tiêu được cấp trong năm thì số visa còn dư sẽ lập tức được phân bổ cho các đương đơn này.

Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là “Visa còn thừa được phân bổ cho các đương đơn đang trong hàng chờ như thế nào?” USCIS phân bổ visa theo nguyên tắc FIFO (First in/First out) dựa trên ngày ưu tiên – tức những đơn nào có ngày ưu tiên sớm hơn thì được giải quyết trước. Nguyên tắc này được thực thi mà không xét đến giới hạn visa cấp phát cho mỗi nước. Theo thống kê, Trung Quốc là Quốc gia có số lượng đơn visa diện đầu tư EB-5 nhiều nhất thế giới. Trong năm 2017, Trung Quốc nhận được 75% visa bao gồm 7% chỉ tiêu + 68% visa còn thừa từ các nước khác. Điều này có nghĩa, một khi Việt Nam rơi vào backlog, thì số đơn đang nằm trong hàng chờ của Việt Nam sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến khi “hàng chờ dài ngoằn” từ Trung Quốc được giải quyết trước. Tương tự, nếu Ấn Độ và Brazil là những quốc gia backlog tiếp theo, nhà đầu tư đến từ 2 nước này cũng phải chờ đợi visa (nếu còn thừa) sau khi phân bổ cho Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng trong ngành EB-5 tại các nước đã làm giảm đáng kể lượng visa còn thừa. Một hệ quả khác do backlog gây ra là sự cạnh tranh visa giữa những đơn bị lùi lại trong năm trước với đơn đăng ký trong năm sau. Một đơn bị lùi lại trong năm nay sẽ là một trong những đơn có ngày ưu tiên sớm nhất trong năm tiếp theo, do đó, khả năng được nhận 1 trong 700 visa theo chỉ tiêu trong năm cũng sớm hơn.
Cuối cùng, các nhà đầu tư EB-5 cũng không nên bỏ qua tầm quan trọng của chỉ tiêu visa được cấp cho mỗi nước. Hạn mức này có thể thay đổi theo hướng tích cực – tăng lên. Khi đó, thời gian chờ sẽ được rút ngắn đi vài năm so với dự tính. Thật không may, chỉ tiêu vẫn có thể giảm xuống bởi hạn chế nhập cư đang là một trong những nỗ lực của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến các ứng viên EB-5 đã nộp đơn vì sẽ tăng thời gian chờ lên vài năm.

Theo những gì Bảng tin thị thực tháng 5/2018 thể hiện, Việt Nam đã chính thức rơi vào backlog. Mặc dù backlog tại Việt Nam chắc chắn sẽ không tồi tệ như Trung Quốc, nhưng thời gian chờ để nhận visa sẽ ngày càng lâu hơn do luợng đơn mỗi lúc một nhiều. Vì vậy, các nhà đầu tư (nếu có kế hooạch định cư theo diện EB-5) nên chuẩn bị hồ sơ sớm nhất có thể để tránh việc hồ sơ bị xếp vào hàng chờ và cạnh tranh với các đương đơn Trung Quốc.
Theo Suzanne Lazicki, Lucid EB-5 Blog