Walt Disney và những bộ phim hoạt hình nổi tiếng chính là người bạn thời thơ ấu của hàng triệu người trên toàn Thế giới. Ngoài những tác phẩm chất lượng được đầu tư kỹ lưỡng, những bí mật sau màn ảnh của thương hiệu đình đám này vẫn luôn thu hút lượng quan tâm cực lớn từ người hâm mộ trong suốt 100 năm qua.
Trong ngành công nghiệp hoạt hình, Walt Disney luôn mãi là tượng đài của Thế giới khi vẫn miệt mài cống hiến những tuyệt phẩm đỉnh cao trong suốt gần một thế kỷ. Ra đời vào năm 1923 bởi bộ đôi anh em nhà Disney, loạt phim đầu tiên được hãng bán ra thị trường là Alice Comedies được lấy hình tượng từ nhân vật cổ tích Alice, đánh dấu những bước đi đầu tiên của “đế chế” hoạt hình đứng đầu toàn cầu.
Từ chú chuột Mickey kinh điển, “Vua sư tử” Simba đình đám, nàng Bạch Tuyết ngọt ngào, quái vật Sulley đầy xúc cảm đến nữ hoàng Elsa quyền năng, bên cạnh những thông điệp sâu sắc mang lại, Disney còn nổi tiếng vì luôn khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa trong các tác phẩm của mình, tạo nên nét riêng biệt của một vũ trụ hoạt hình đúng nghĩa!
Dãy ký tự bí ẩn “A113”
Từng xuất hiện trong rất nhiều khung hình của các tác phẩm khác nhau, dãy ký tự “A113” đã từng khiến người hâm mộ và giới truyền thông tốn giấy mực khi tranh cãi về ý nghĩa của nó. Thực chất, A113 chỉ là số thứ tự phòng của tổ vẽ và đồ họa nhân vật nằm trong trụ sở của hãng, đây chỉ là cách đội ngũ họa sỹ và kỹ thuật vui tính của Disney “đánh dấu lãnh thổ” lên những đứa con tinh thần của mình.
Khách mời “bất đắc dĩ”
Walt Disney ngoài sở hữu Lò đào tạo quái vật còn là “lò sản xuất” nên các họa sỹ tài năng và thật sự hài hước. Điển hình trong một cảnh phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà (1996), chú heo rừng Pumbaa trong bom tấn Vua sư tử trước đó 2 năm đã bất ngờ trở thành khách mời “bất đắc dĩ” với vai “bức tượng” trên bờ tường của nhà thờ Đức Bà. Sự thật thì chẳng có thiết kế nhà thờ nào trong thực tế lại dựng bức tượng một chút heo trơ trọi đến buồn cười như vậy.
Mickey, Mickey và Mickey
Là nhân vật kinh điển đại diện cho cả một hãng phim, chuột Mickey tuy không phải nhân vật đầu tiên song lại là biểu tượng làm vang dội tên tuổi Walt Disney trên thị trường suốt 10 thập kỷ qua. Không phải ngẫu nhiên, Disney Channel – kênh truyền hình thuộc sở hữu của Walt Disney lại chọn chú chuột Mickey làm biểu tượng và xuất hiện trong cả logo của thương hiệu. Thậm chí, kênh truyền hình này còn được gọi bằng một biệt danh vô cùng đáng yêu là “nhà chuột”, thể hiện rõ sự ảnh hưởng và độ quan trọng của hình tượng Mickey đến sự vận hành và phát triển của cả đế chế Disney.

Sự “cuồng nhiệt” của các họa sỹ Disney dành cho Mickey thật sự khiến khán giả cảm thấy thú vị, vì từ lần đầu ra mắt vào năm 1928 cho đến tận bây giờ, “tượng đài” Mickey vẫn luôn được các họa sỹ cho xuất hiện bền bỉ trong hầu hết tất cả những bộ phim hoạt hình do hãng sản xuất. Tiêu biểu như ở Frozen (2013), chú chuột nổi tiếng lại được xuất hiện lấp ló sau chiếc tủ trong một cảnh phim.
Các nhân vật luôn mồ côi Mẹ

Nỗi đau của rất nhiều nhân vật nhà chuột cũng xuất phát từ chính nỗi đau của ông chủ hãng Walt Disney. Sau 1 năm thành công của bộ phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (1937), Walter Elias Disney đã mua tặng cha mẹ một ngôi nhà mới rộng lớn với đầy đủ nội thất và thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, một sự cố xảy ra với hệ thống sưởi trong nhà đã cướp đi sinh mạng của mẹ ông khiến Walter thật sự suy sụp. Chính vì sự day dứt khi luôn cảm thấy bản thân có lỗi trong cái chết của mẹ, Disney đã tạo nên những nhân vật với hoàn cảnh tương tự để thể hiện sự xót xa với mất mát của bản thân.

Nguồn cảm hứng bất tận
Có bao giờ bạn tự hỏi, nguồn cảm hứng từ đâu khiến các họa sỹ Disney có thể tạo nên cả triệu những nhân vật độc đáo gần cả trăm năm qua? Ngoài sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, có đôi lúc những nhân vật của Disney được xây dựng dựa trên chính cảm hứng từ những nhân vật có thật ngoài đời. Như chàng Aladdin tốt bụng sở hữu gương mặt điển trai được lấy cảm hứng từ tài tử Hollywood Tom Cruise, hay nữ diễn viên Alyssa Milano chính là “nguyên tác” khi tạo hình nàng tiên cá Ariel, các chú kền kền trong The Jungle Book thì được sáng tạo từ nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, trong khi đó nhân vật Tinkerbell trong Peter Plan có hình mẫu là nữ diễn viên Margaret Kerry.
Tarzan là em trai của Nữ hoàng băng giá

Điều này được chính 2 đạo diễn của bom tấn Frozen (2013) Jennifer Lee và Chris Buck xác nhận trong một chương trình hỏi đáp của một mạng xã hội nổi tiếng. Theo đạo diễn Chris Buck, cũng là vị đạo diễn của Tarzan (1999), đức vua và hoàng hậu của đất nước Scandinavian (cha mẹ của Elsa và Anna – Frozen) trong một chuyến du ngoạn đã gặp tai nạn đắm tàu. Vào chuỗi ngày lênh đênh trên chiếc tàu nhỏ giữa biển khơi, hoàng hậu đã hạ sinh Tarzan và gia đình 3 người sau đó bị trôi dạt đến một cánh rừng. Họ dựng nhà, săn bắt và quyết định sinh sống tại nơi đây, nhưng chỉ một thời gian ngắn cả 2 đều bị ăn thịt bởi một con báo đốm hung ác. Đây cũng là toàn bộ phần đầu của bom tấn Tarzan cực kì vang dội vào cuối thế kỷ 20.

Khi quái vật được chăm chút như “người đẹp”
Ít ai biết được rằng, phải mất đến 12 tiếng để sản xuất một khung hình của quái vật Sulley trong Lò đào tạo quái vật (2001). Lý do là vì Sulley sở hữu bộ lông với 2,3 triệu sợi lông nhỏ. Hay như 10 năm trước trong Người đẹp và quái vật (1991), chàng hoàng tử quái thú là sự kết hợp giữa những bộ phận thuộc 7 loài động vật khác nhau: bờm sư tử, đầu và râu của trâu, lông mày từ Gorilla, mắt của con người, răng nanh của heo rừng, thân hình của gấu cùng chân và đuôi của sói.
Lại là Disney và đội ngũ họa sỹ hài hước
Phải công nhận, dù quỹ nhân vật của Disney có đông đảo và độc đáo đến mức nào cũng không thể qua mắt các “mọt phim” thực thụ. Các họa sỹ Disney đã “tiết kiệm” thời gian sáng tác triệt để khi “tái sử dụng” nhiều lần một hình tượng hoặc chuỗi hoạt động nhân vật cho rất nhiều bộ phim khác nhau.
Một ví dụ điển hình trong Gia đình mèo quý tộc (1970) và Robin Hood (1973), các khán giả tinh ý đã nhận ra nhân vật chú mèo chơi nhạc cụ đã được sao chép “nguyên bản” khá lộ liễu. Tuy nhiên với công nghệ và kỹ xạo vượt bậc như ngày nay, chắc tổ họa sỹ của Disney sẽ không còn phải dùng “chiêu trò” đáng yêu như thế này nữa.

Tồn tại và nổi tiếng đình đám trong gần một thế kỷ qua, chắc chắn Walt Disney không thể nào tránh được những sơ sót trong quá trình phát triển. Có những bộ phim để đời, cũng có những tác phẩm chỉ muốn đưa vào dĩ vãng, song không ai có thể phủ nhận những nỗ lực đáng nể của tập thể những tài năng tại Walt Disney, họ đã từng chút kiến tạo nên một Thế giới riêng với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, những giá trị nhân văn sâu sắc thông qua từng thước phim, mang lại cho tất cả mọi người một kho tàng vô giá và thật sự ý nghĩa.