Định cư Úc hiện là từ khóa đang được tìm kiếm rất nhiều trên mạng hiện nay. Đặc biệt, những yêu cầu lý lịch tư pháp khi định cư Úc là một trong những mối quan tâm hàng đầu của đương đơn trong quá trình xin Visa định cư tại nước này.
Vậy Lý lịch tư pháp là gì?
Theo định nghĩa, lý lịch tư pháp là một loại tài liệu do Sở tư pháp hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp nhằm chứng minh một người có hay không có án tích, bản án, các quyết định xử phạt của tòa án.
Trong quá trình xin visa để định cư nước ngoài, lý lịch tư pháp là một trong những yêu cầu bắt buộc mà luật di trú nước đó đề ra, và Úc cũng không là ngoại lệ.
Điều luật số 501 của Bộ Luật Di Trú Úc có quy định, Bộ Di Trú Úc có quyền từ chối hồ sơ xin visa hoặc hủy visa mà bạn đang có nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu về mặt nhân phẩm, hay còn gọi là có tiền án tiền sự.

Để biết được đương đơn có đạt đủ tiêu chuẩn về nhân phẩm để đến sinh sống tại Úc hay không, Bộ Di Trú sẽ xem xét trong tờ lý lịch tư pháp mà đương đơn cung cấp. Đương đơn phải xin lý lịch tư pháp ở quốc gia mà đương đơn đã sống từ 12 tháng trở lên trong suốt 10 năm từ lúc 16 tuổi. Việc này giúp nước Úc loại bỏ những hồ sơ mà đương đơn có liên quan đến tiền án tiền sự để bảo vệ cộng đồng nước họ tránh các nguy cơ phạm tội đe dọa sự an ninh và phát triển của đất nước
Hầu hết đương đơn có visa ở Việt Nam sẽ áp dụng phiếu lý lịch tư pháp số 2 “*”. Riêng những đương đơn đang sống ở Úc thì áp dụng phiếu lý lịch tư pháp AFP National Police Checks mà Bộ di trú của nước này yêu cầu.

Mọi hành vi phạm tội cần được khai báo một cách chân thực và rõ ràng trên phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp hồ sơ bị từ chối khi Bộ Di Trú phát hiện hành vi che giấu hoặc cố ý làm bất kì điều gì không đúng sự thật thì hồ sơ của đương đơn sẽ bị từ chối ngay lập tức.
Ngoài ra, đương đơn phải chứng minh được sự thay đổi về hành vi phạm tội trong quá khứ không còn lặp lại ở hiện tại nữa. Bộ di trú Úc sẽ xem xét lại vấn đề này kèm theo những khía cạnh điển hình như hoạt động tích cực mà đương đơn thực hiện sau khi phạm tội, thành viên gia đình của đương đơn ở Úc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi quyết định của Sở di trú, sự ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cộng đồng Úc…để xem xét liệu hồ sơ đó có bị từ chối hay không?
Hơn nữa, trong quá trình đánh giá về nhân phẩm, đương đơn sẽ phải hoàn thành thêm mẫu đơn về nhân phẩm (Form 80 – Characters) được yêu cầu cho tất cả các loại visa định cư Úc. Nếu như nhân viên di trú từ chối visa của bạn và bạn đang ở Úc thì bạn có thể kiện lên tòa Phúc Thẩm Hành Chính (Administrative Appeals Tribunal) để tòa xem xét lại quyết định visa của bạn. Hoặc nếu bạn ở ngoài nước Úc thì người bảo lãnh sẽ là người nộp đơn lên tòa Phúc Thẩm Hành Chính.
Thời gian nộp đơn kiện sẽ bị giới hạn khi đương đơn nhận được quyết định từ chối Visa của Bộ di trú Úc, khoảng 9 ngày đối với đương đơn đang ở Úc, 28 ngày đối với đương đơn ở ngoài nước Úc.
Về phần xét duyệt hồ sơ có tiền án tiền sự, bộ di trú sẽ có quyền từ chối visa nếu đương đơn phạm phải những điều sau:
• Từng có tiền án, tiền sự đi tù từ 1 năm trở lên.
• Visa trong quá khứ và hiện tại cho thấy đương đơn không có nhân phẩm tốt.
• Có tham gia hoạt động vào các băng nhóm, tổ chức tội phạm như buôn người, buôn lậu, diệt chủng…
• Đã hoặc đang là thành viên của một nhóm, tổ chức mà bộ trưởng nhập cư nghi ngờ có hành vi tội phạm.
• Đương đơn đã bị kết án về hành vi phạm tội trong khi người đó đang ở trong trại giam di trú; hoặc trong khi trốn khỏi trại.
• Bộ di trú nghi ngờ đương đơn có nguy cơ sẽ tham gia những hành vi phạm pháp nếu được đến Úc như:
Phản động, phỉ báng một số bộ phận của Cộng đồng Úc.
Tuyên truyền người dân chống lại chính phủ.
Nằm trong danh sách mối nguy hiểm của Cộng đồng người Úc.
Từng có tiền án liên quan đến trẻ em như ấu dâm, xâm phạm tình dục.
Từng bị kết tội chống lại an ninh theo tổ chức tình báo Úc.
(*) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là loại phiếu cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng (gồm Công an, Viện kiểm sát và Tòa án) hoặc cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó nắm được nội dung về lý lịch tư pháp của bản thân mình (theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp).
Tổng hợp